ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Tòa Zen Tower - Số 12 Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân - Hà Nội - Hotline: 0936 018 199 - Email: minhdunglawfirm@gmail.com
Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn chỉ bị hạn chế đối với người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được qui định tại khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014. Điều luật qui định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn không cấm hay hạn chế trường hợp vợ (chồng) yêu cầu ly hôn với người còn lại bị bệnh tâm thần.
Khi có yêu cầu ly hôn trong trường hợp bên bị kiện là người bị tâm thần thì Tòa án phải thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự như chỉ dẫn của khoản 1 Điều 53 Luật HN&GĐ năm 2014. Nhưng chưa có quy định cụ thể nào về tố tụng trong trường hợp người bị kiện trong vụ án ly hôn là người bị tâm bệnh tâm thần. Do đó, Thẩm phán phải vận dụng các qui định của BL TTDS để xác định tư cách đương sự cho hợp lý.
Khi bị đơn là người bị bệnh tâm thần thì họ không thể tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, khoản 4 Điều 69 BLTTDS qui định: “Người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”.
Vậy người đại diện cho vợ (chồng) bị tâm thần là ai?
Đại diện cho nhau giữa vợ, chồng khi một bên bị mất năng lực hành vi dân sự cần phải tiếp cận dưới hai phương diện. Thứ nhất, vợ (chồng) bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì người còn lại sẽ được xác định là người giám hộ đương nhiên theo qui định tại khoản 1 Điều 53 BLDS và khoản 3 Luật HN&GĐ năm 2014[3]. Khi thực hiện các giao dịch dân sự hoặc tham gia tố tụng tại Toà án với một chủ thể thứ ba thì người giám hộ đại diện và thay mặt họ để thực hiện. Thứ hai, nếu ngay chính vợ (chồng) hay nói cách khác là ngay người giám hộ và người được giám hộ có xung đột về lợi ích, xung đột về quyền và nghĩa vụ thì người giám hộ sẽ không đủ điều kiện để giám hộ, Toà án sẽ chỉ định người khác giám hộ để đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự thực hiện bảo vệ các quyền và lợi ích của họ, chẳng hạn như vợ chồng ly hôn.
Nội dung này được quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2014: Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn. Việc chỉ định của Toà án phải căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự. Tại khoản 1 Điều 88 BLTTDS cũng có đề cập: Khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Bộ luật này thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.
Vậy thì ai là người được Toà án chỉ định đại diện cho người cho người bị mất năng lực hành vi dân sự (vợ hoặc chồng bị bị bệnh tâm thần) để đại diện cho họ khi giải quyết việc ly hôn theo chỉ dẫn của Khoản 3 Đều 24 Luật HN&GĐ năm 2014 và khoản 1 Điều 88 BLTTDS?
Theo BLDS, Toà án chỉ được chỉ định người giám hộ trong trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ. Cũng theo BLDS tại khoản 2, khoản 3 Điều 136 qui định về đại diện theo pháp luật của cá nhân là người giám hộ đối với người được giám hộ, cũng có nghĩa là người mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ là người đại diện cho họ. Toà án chỉ định người đại diện khi không xác định được người đại diện (là người giám hộ đối với người được giám hộ).
Với những quy định trên cho thấy BLDS và BLTTDS năm 2015, không có điều khoản nào qui định cho trường hợp Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn nên Thẩm phán bị lúng túng, nhận thức không thống nhất về việc chỉ định ai là người đại diện cho vợ (chồng) tham gia tố tụng khi tiến hành giải quyết vụ án ly hôn trong trường hợp đặc biệt này. Toà án chỉ định bằng hình thức nào? Trước khi thụ lý vụ án hay sau khi thụ lý vụ án? Người được chỉ định: Cha, mẹ, người thân thích khác hay là ai?
Về vấn đề ly hôn với người bị tâm thần còn rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.